Hôm nay, Thái Quảng sẽ chia sẻ với bạn một cách chi tiết và dễ hiểu nhất có thể về chủ đề phóng tĩnh điện (ESD) trong sản xuất, bao hàm nội dung ESD có thể xảy ra ở công đoạn nào và tại sao khi tiếp xúc với sản phẩm thì chúng ta phải đeo vòng tay chống tĩnh điện. Hãy cùng bắt đầu nào!
Ảnh hưởng của ESD trong sản xuất
Trong sản xuất, đặc biệt là ngành điện tử thì ESD là một vấn đề lớn; bởi vì nó có thể làm hỏng các linh kiện nhạy cảm như vi mạch, transistor hay bảng mạch in chỉ trong tích tắc.

Điều đáng sợ là đôi khi bạn không nhận ra ngay mà phải đến khi sản phẩm không hoạt động thì mới phát hiện ra. Và việc này không chỉ gây tốn kém khi khắc phục mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của sản phẩm.
ESD có thể xảy ra ở công đoạn nào trong sản xuất?
Trong thực tế, ESD có thể xuất hiện ở bất kỳ công đoạn nào trong sản xuất, nhưng đặc biệt “ưa thích” những giai đoạn mà có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người và sản phẩm hoặc giữa các vật liệu khác nhau. Điển hình như:
- Lắp ráp linh kiện điện tử: Khi công nhân cầm linh kiện như chip hay bảng mạch để lắp ráp, chỉ cần một lần chạm tay mà không có bảo vệ thì ESD có thể xảy ra và làm hỏng linh kiện ngay lập tức.
- Kiểm tra và đóng gói: Ở công đoạn này, việc chạm vào sản phẩm để kiểm tra chất lượng hay đóng gói cũng có thể gây ra ESD nếu không cẩn thận.
- Vận chuyển nội bộ: Khi di chuyển linh kiện hoặc sản phẩm trong nhà máy, ma sát giữa các bề mặt (như giữa khay chứa và linh kiện) cũng có thể sinh ra điện tích tĩnh.
Bởi vậy, không chỉ con người mà dụng cụ, vật liệu, thậm chí không khí trong môi trường sản xuất cũng có thể là nguồn gây ra phóng tĩnh điện.

Ví dụ, khi bạn đi lại trên sàn thì ma sát giữa giày và sàn có thể tạo ra điện tích trên cơ thể. Hay khi dùng hộp nhựa đựng linh kiện thì nhựa cũng có thể tích tụ điện tích và gây ra phóng tĩnh điện.
Tại sao phải đeo vòng tay chống tĩnh điện khi tiếp xúc với sản phẩm?
Có thể coi cơ thể chúng ta như là một “máy phát điện tĩnh” tự nhiên, bởi trong quá trình làm việc thì cơ thể có thể tích tụ điện tích từ nhiều nguồn như:
- Ma sát giữa quần áo và da;
- Đi lại trên sàn, nhất là sàn trải thảm;
- Chạm vào các vật liệu cách điện như nhựa, giấy,…
Khi cơ thể mang điện tích tĩnh và chạm vào sản phẩm, đặc biệt là linh kiện điện tử nhạy cảm, điện tích đó có thể phóng sang sản phẩm và gây ra hiện tượng phóng tĩnh điện (ESD). Dẫn đến hậu quả là linh kiện có thể hỏng ngay lập tức hoặc bị tổn thương tiềm ẩn (vẫn hoạt động nhưng sẽ “chết yểu” sau một thời gian ngắn).

Bởi vậy, vòng tay chống tĩnh điện ra đời để giải quyết vấn đề này. Nó được đeo vào cổ tay và nối với một dây dẫn xuống đất nhằm dẫn hết điện tích trên cơ thể bạn xuống đất ngay lập tức, không để điện tích có cơ hội tích tụ hay phóng sang sản phẩm. Hiểu một cách đơn giản thì nó giống như một “ống thoát nước” cho điện tích vậy!
Cách phòng tránh ESD trong sản xuất

Ngoài vòng tay chống tĩnh điện, còn có nhiều cách khác để bảo vệ sản phẩm khỏi phóng tĩnh điện. Thái Quảng sẽ điểm qua một vài biện pháp phổ biến:
- Sử dụng ghế chống tĩnh điện và bàn chống tĩnh điện được phủ lớp vật liệu đặc biệt và nối đất giúp triệt tiêu điện tích trên bề mặt làm việc.
- Trang bị quần áo và găng tay chống tĩnh điện nhằm giảm thiểu điện tích sinh ra từ cơ thể bạn.
- Trải thảm chống tĩnh điện ở khu vực di chuyển để hạn chế điện tích từ ma sát giày và sàn.
- Kiểm soát độ ẩm trong không khí giúp giảm tích tụ điện tích, vì không khí ẩm dẫn điện tốt hơn không khí khô.
- Quan trọng nhất là hãy đào tạo về ESD để mọi người hiểu và biết cách sử dụng thiết bị chống tĩnh điện đúng cách.
Qua nội dung mà Thái Quảng đã chia sẻ ở phía trên thì có thể thấy ESD là một mối nguy lớn trong sản xuất, đặc biệt với ngành điện tử. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ công đoạn nào có sự tiếp xúc với sản phẩm. Và để phòng tránh thì việc đeo vòng tay chống tĩnh điện là điều không thể thiếu khi bạn làm việc trực tiếp với linh kiện. Ngoài ra, hãy kết hợp thêm các biện pháp như sử dụng bàn, ghế, thảm, quần áo ESD chuyên dụng sẽ giúp bảo vệ sản phẩm tốt hơn nữa.